Bên cạnh kích thước, Apple nới rộng khoảng cách giữa dòng Pro và model Pro Max bằng các chi tiết khó thấy. iPhone 14 Pro Max là sản phẩm tốt hơn để trải nghiệm Dynamic Island, Always-on-Display hay cả việc cầm nắm hàng ngày.
Nhiều bảng thống kê từ các nhà bán lẻ trong nước cho thấy người dùng Việt Nam có niềm yêu thích đặc biệt với dòng iPhone Pro Max. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ trải nghiệm, đây không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn tốt nhất.
Ví dụ, tôi đánh giá cao iPhone 12 Pro và 13 Pro hơn bản Pro Max của chúng. Những lựa chọn này có giá rẻ hơn khoảng 3 triệu đồng lúc mới mở bán, hàng có sẵn và vừa vặn cho sử dụng bằng một tay. Trong khi đó, hầu hết thông số khác của hai sản phẩm là giống nhau.
Tuy nhiên ở iPhone 14 series, tôi cho rằng bản Pro Max mới là sự lựa chọn tối ưu cho những nâng cấp Apple đã trang bị. Pin lớn giúp tăng thời gian sử dụng ngay cả khi bật Always-on-Display cả ngày. Đồng thời, kích thước rộng rãi tạo ra sự cân đối của các chi tiết thiết kế, tăng trải nghiệm.
Tuy nhiên, đây không phải chiếc máy hoàn hảo. Nhiều thay đổi của Apple chưa nâng cấp trải nghiệm. Kích thước quá khổ và khối lượng 240 gram là rào cản của thiết bị đến một số người dùng.
Mặt trước của iPhone đã gần như không có thay đổi gì từ 2017. Thực tế, màn hình điện thoại Apple trước đời iPhone X cũng luôn giống nhau. Tuy nhiên, người dùng vẫn liên tục nhắc về điều này bởi “notch” là một phần khiếm khuyết, cản trở trải nghiệm. Do đó, khách hàng của thương hiệu luôn chờ đợi ngày nó được loại bỏ.
Thực tế, chính Apple cũng nhận ra điều đó. Ảnh quảng cáo từ thời iPhone X đến iPhone 13, Apple luôn dùng một hình nền tối ở trên đỉnh. Khi nhìn lướt qua, nó có thể gây nhầm lẫn rằng thiết bị hoàn toàn tràn viền, không khiếm khuyết. Đã có người khởi kiện Apple vì sản phẩm nhận được có chiếc notch mà trên hình quảng cáo không hiển thị rõ.
Nhưng ở iPhone 14 Pro Max, ảnh nền mặc định là một hình tối ở giữa và sáng trên đỉnh. Điều này làm lộ rõ ra phần khuyết hình viên thuốc. Qua đó, Táo khuyết muốn khoe thay đổi quan trọng trên thiết bị.
Điều này có thể mới mẻ với iFan. Nhưng người dùng Android đã được trải nghiệm một màn hình tương tự từ 2018. Ngoài ra, phần khuyết trên các dòng máy đối thủ cũng có kích thước nhỏ, chỉ chứa vừa camera selfie, không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm như lỗ đen lớn của iPhone 14 Pro Max.
Chưa có lợi thế về phần cứng, Apple che lấp nó bằng phần mềm. Táo khuyết gọi đó là Dynamic Island. Điểm hấp dẫn nhất của tính năng nằm ở hoạt ảnh. Apple xử lý nó rất mượt mà và thu hút. Hiệu ứng khi mở FaceID, có cuộc gọi đến, ghi âm hay kết nối AirPods không giống nhau. Khi đã quen, nó tạo ra thói quen nhìn vào đỉnh màn hình để kiểm soát trạng thái chiếc máy.
Apple xử lý để tôi nghĩ nó là một khu vực phần cứng, như một màn hình phụ riêng biệt. Tuy nhiên, Dynamic Island vẫn chỉ là phần kết nối với lỗ khuyết cùng những pixel tối màu.
Với việc hàm API liên quan đến Đảo động sẽ được cập nhật về sau trong iOS 16, nhiều ứng dụng sẽ hiển thị từ đây. Tôi chờ đợi việc tin nhắn, thông báo sẽ tương thích tốt hơn với công cụ này. Qua đó, người dùng sẽ khai thác Dynamic Island tốt hơn bây giờ.
Nhưng Dynamic Island tốt hơn nên chỉ để nhìn, không phải cho việc chạm vào.
Tôi thấy các tác vụ tương tác với Dynamic Island không thuận tiện. Ví dụ, để chuyển nhạc tôi cần giữ vào bảng, nhấn nút chuyển. Thao tác này không trực quan bằng việc kéo Control Center và chọn bài tiếp theo. Đồng thời, để làm việc với Dynamic Island, tôi buộc phải dùng hai tay. Sau hơn 3 tuần sử dụng, tôi vẫn chưa thể làm quen.
Thực tế, Pro Max là model tập trung tinh hoa của dòng sản phẩm, gồm tất cả thông số tốt nhất và có giá cao. Nhưng với tôi, kích thước 6,1 inch của Pro đã đủ dùng. Ngoài ra, ở thế hệ iPhone 12, 13, khác biệt tính năng của hai phiên bản gần như không có. Vì vậy, tôi không hào hứng với bản iPhone màn hình lớn nhất.
Tuy nhiên, Apple cho tôi nhiều lý do hơn để muốn mua chiếc iPhone 14 Pro Max.
Đầu tiên, chiếc máy này nhỏ hơn đời cũ. Điều này Apple không nói và ít người phát hiện ra. Thực tế, iPhone 14 Pro Max là thiết bị duy nhất trong thế hệ có tổng thể khung máy thay đổi. 4 viền trên thiết bị được làm mỏng hơn đời trước. Do đó, kích thước thực tế của sản phẩm gọn hơn.
Con số trên lý thuyết là không nhiều. Nhưng cầm trên tay, tôi có thể cảm nhận ngay sự khác biệt. Với một thiết bị di động màn hình lớn, được sử dụng nhiều giờ mỗi ngày, một chút thay đổi kích thước cũng có thể cải thiện nhiều về trải nghiệm.
Mặt khác, kích thước tổng thể iPhone 14 Pro và Pro Max khác nhau. Tuy nhiên, một số chi tiết trên chúng có độ lớn như một. Dynamic Island hay cụm camera phía sau là hai ví dụ. Trong khi Dynamic Island chiếm tỷ lệ lớn trên màn hình iPhone 14 Pro, lỗ khuyết hài hòa hơn ở bản Pro Max.
Tương tự với cụm camera phía sau. 3 ống kính trở nên quá khổ trên khung máy 6,1 inch của model 14 Pro. Ngón tay trỏ của tôi thường xuyên vô tình chạm nhầm, làm mờ ống kính bên dưới. Ngoài ra, một số bộ sạc không dây cũng không tương thích với chiếc máy này bởi cụm camera bị cấn.
Các vấn đề này tôi không gặp phải khi sử dụng iPhone 14 Pro Max. 3 máy ảnh vẫn lớn. Nhưng nó hài hòa hơn ở phiên bản này.
Always-on-Display (AoD) là tính năng tôi không bật trên iPhone 14 Pro. Lý do là nó không thực sự cần thiết. Đồng thời, AoD gây tiêu tốn năng lượng. Hết một chu trình pin, thiết bị mất khoảng 10% cho màn hình luôn bật. Trong khi đó, pin của model iPhone 14 Pro vốn chỉ đủ dùng trong vòng một ngày.
Việc bật chức năng AoD khiến máy rơi xuống mức dưới 20% pin khi tôi rời khỏi công ty. Đây là con số không an toàn nếu bản thân có việc đột xuất vào buổi tối.
Với khung máy lớn, pin to, tôi dùng chiếc Pro Max thoải mái hơn hẳn. Có thói quen sạc máy qua đêm. Nên khi hết ngày, việc điện thoại còn 30 hay 50% pin không quá quan trọng. Tôi sẵn sàng bật Always-on-Display để trải nghiệm tính năng mới. Đây cũng là một cách tinh tế để khoe điện thoại mới mua.
Apple mang đến nhiều cảm xúc thú vị với camera của iPhone 14 Pro Max. Việc nâng lên mức 48 MP với camera chính của thiết bị giống như một bước thỏa hiệp với chính những triết lý của thương hiệu. Hãng chọn bỏ đi nhiều thứ để nâng cao chất lượng ảnh chụp. Điều này được thể hiện qua các bức ảnh trong những giới thiệu của Apple khi họ làm phim sản phẩm về iPhone mới này.
Với tôi, Táo khuyết là công ty chú trọng tiểu tiết, tôn thờ sự hoàn hảo. Việc cả 3 camera của iPhone đều có độ phân giải 12 MP là một ví dụ. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong nhiếp ảnh vẫn là số ánh sáng ghi nhận được.
Để tăng cường, hãng phải làm pixel lớn hơn. Kích thước cảm biến ảnh liên tục được nâng cao từ iPhone 11. Nhưng có vẻ nó đã đạt giới hạn ở độ phân giải 12 MP. Do đó, Apple sử dụng cảm biến 48 MP và gộp điểm ảnh lại.
Tôi cho rằng điều này có thể được dùng cho nhiều mục đích khác về sau. Như quay phim 8K chẳng hạn. Ở hiện tại, bức ảnh chụp ra từ iPhone 14 Pro Max vẫn là 12 MP. Khi phóng to ở mức 100%, ảnh giữ được nhiều chi tiết hơn đời trước. Nhưng với tiêu chuẩn là Facebook, Instagram, nâng cấp này khó để nhận ra.
Đồng thời, các thuật toán can thiệp sớm và sâu hơn trong quá trình chụp ảnh. Khi ánh sáng phức tạp nhẹ, iPhone bắt đầu áp dụng Photonic Engine, liên tục ghép thêm ảnh ở các mức phơi sáng để giữ chi tiết. Do đó, máy tốn thêm 1-2 giây để xử lý. Cách này khiến iPhone không khác gì Pixel hay Huawei khi chụp hình.
Tổng thể chất ảnh trên iPhone 14 Pro Max vẫn vậy. Một số trường hợp khi phần mềm can thiệp quá đà, ảnh mất đi độ tự nhiên quen thuộc. Tôi cũng không đánh giá cao cách chiếc máy tái tạo màu da khi chi tiết quá gai.
Trong khi đó, iPhone vẫn là lựa chọn tốt nhất cho việc quay phim. Camera góc siêu rộng và tele 3x có chất lượng được cải thiện khi quay đêm, giảm được nhiễu hạt. Mặt khác, người dùng có thể khai thác được thêm chế độ quay Điện ảnh với độ phân giải 4K.
Cộng thêm ảnh ProRaw, quay phim ProRes, Photographic Style, Ultra Steady, ứng dụng camera của iPhone hiện có rất nhiều lựa chọn cho người dùng. Không còn chỉ để chụp và quay như trước đây.
Trải nghiệm qua nhiều điện thoại cao cấp của năm nay, iPhone 14 Pro Max chứng tỏ đây là thiết bị có chất lượng hoàn thiện thuộc nhóm tốt nhất. Hệ điều hành iOS quen thuộc, mạng lưới thiết bị liền mạch vẫn là điểm mạnh của Apple.
Về mặt hiệu suất, năm nay chỉ là một nâng cấp nhỏ. Chip A16 tập trung vào nhân xử lý ảnh hay quản lý màn hình hơn là hiệu năng thuần. Hiện tại, các game vẫn chưa tối ưu cho vi xử lý mới. Nhưng đây có thể chỉ là vấn đề về thời gian.
Bên cạnh những thay đổi, Apple thể hiện họ đang chậm chân, cố chấp ở một số tính năng. Cổng Lightning là một ví dụ. Kết nối này không còn đủ nhanh nếu so sánh với các chuẩn khác hiện có. Khi những bức ảnh ProRaw nặng đến 50 MB, phim quay ở chế độ ProRes dung lượng hàng trăm GB, Lightning gần như không theo kịp.
Khi các sản phẩm khác trong hệ sinh thái Táo khuyết đã thay đổi, công ty vẫn đang trung thành với chuẩn kết nối 10 năm tuổi của mình. Điều này không đồng nghĩa với việc ủng hộ đề xuất của Liên minh châu Âu về việc áp đặt một cổng cắm type C cho tất cả thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, Apple cần làm gì đó với kết nối quan trọng của chiếc iPhone, để nó theo kịp các tính năng khác trên máy.
Sạc nhanh là một khía cạnh khác. Apple có nâng cấp nhẹ qua mỗi năm với mức công suất tối đa được hỗ trợ là 27 W. Tuy nhiên, con số này như “muối bỏ bể” nếu nhìn sang đối thủ Android đã có bước dài ở mức sạc 200 W.
Ngoài ra, chiếc máy cũng xuất hiện một vài lỗi trong 2 tuần qua. Đôi khi bàn phím biến mất khi tôi đang gõ. Hoặc việc nhập liệu ký tự tiếng Việt cũng có vấn đề trên iPhone 14 Pro Max.
So với những thế hệ trước, Apple cho tôi nhiều lý do hơn để mua bản Pro Max, thay vì dòng Pro. Trong đó, việc tinh giản, thu gọn thiết bị là một thay đổi quan trọng để hướng dòng sản phẩm này đến số đông.
Dynamic Island, Always-on-Display hiện vẫn dừng ở mức hứa hẹn. Các tính năng này chưa thể hiện được nhiều tác dụng thực tế. Điều này có thể được thay đổi qua các bản cập nhật hoặc ở vòng đời sản phẩm tiếp theo.
Với giá 34 triệu đồng tại nhà bán lẻ TopZone, iPhone Pro Max là dòng sản phẩm hiếm hoi có thể được bán với số lượng hàng chục nghìn máy. Một vài thay đổi của Apple có thể khiến hàng dài người xếp hàng lúc nửa đêm để nhận máy.
Sản xuất: Phan Nhật
MC: Kim Tuyến
Video: Hải Dương
Ảnh: Phương Lâm
Thiết kế: Khôi Khôi.